Những phẩm chất cực quan trọng của nhà lãnh đạo thành công
Đảm bảo sự cân bằng giữa suy nghĩ tích cực và tính thực tế cũng là một thách thức lớn với nhà lãnh đạo.
Theo TS. Travis Bradberry – Chủ tịch Công ty TalentSmart, đồng tác giả của quyển Thông minh cảm xúc 2.0 (Emotional Intelligence 2.0), những nhà lãnh đạo giỏi có 6 phẩm chất quan trọng mà chúng ta có thể học hỏi:
1. Tử tế nhưng không yếu đuối
Một trong những thử thách lớn nhất dành cho nhà lãnh đạo là làm chủ được sự tử tế, sao cho có thể cân bằng giữa việc tốt bụng với mọi người và không trở nên yếu đuối. Chìa khóa để tìm ra sự cân bằng đó là nhận ra rằng, lòng tốt là một sức mạnh tự nhiên vốn xuất phát từ bên trong.
Sự tử tế thật sự không đi kèm với sự tư lợi. Nhà lãnh đạo đối xử tốt với mọi người vì mục đích tư lợi sẽ rất dễ bị nhận ra. “Hãy nghĩ đến Schultz – người dành ra hàng triệu USD để hỗ trợ nhân viên học đại học mà không cần họ phải cam kết gắn bó. Ngay khi hoàn thành khóa học, nhân viên hoàn toàn được tự do rời khỏi Starbucks. Đó chính là sự tử tế thật sự”, Travis Bradberry nói.
2. Mạnh mẽ nhưng không thô lỗ
Sự mạnh mẽ là phẩm chất quan trọng của nhà lãnh đạo và là yếu tố quyết định sự “tâm phục khẩu phục” của nhân viên dành cho họ. Trên thực tế, nhân viên cần một nhà lãnh đạo đủ dũng cảm để thực hiện những quyết định táo bạo, kiểm soát được sự vận hành của đội ngũ và giúp tập thể vượt qua những khó khăn. Nếu người quản lý phát huy được sức mạnh của họ, nhân viên dưới quyền cũng sẽ làm được điều đó.
Nhiều nhà lãnh đạo nhầm lẫn sự mạnh mẽ với sự độc đoán, kiểm soát và các biểu hiện khắt khe khác. Họ nghĩ rằng bằng cách đó có thể chiếm được lòng trung thành của nhân viên. Tuy nhiên, sức mạnh không phải là một cái gì đó bạn có thể áp đặt lên người khác mà chỉ có thể chứng minh theo thời gian, đặc biệt là khi đối diện với những tình huống khó khăn. Chỉ khi đó người khác mới có thể tin tưởng và “phục tùng” bạn.
3. Tự tin mà không kiêu ngạo
Chúng ta luôn bị thu hút bởi những người tự tin là bởi vì sự tự tin có khả năng lây lan. Tuy vậy, với cương vị là một người lãnh đạo, bạn không được để sự tự tin của mình bị biến thành kiêu ngạo, tự mãn. Tự tin là khi bạn có niềm tin và đam mê rằng mình có khả năng làm được điều gì đó, nhưng khi niềm tin đó trở nên “phi thực tế”, bạn đã làm giảm đi uy tín của chính mình.
Những nhà lãnh đạo tự tin thường vẫn khiêm tốn. Họ không cảm thấy vị trí và quyền lực khiến họ trở nên đặc biệt hơn bất kỳ ai khác. Vì thế, họ luôn sẵn sàng xắn tay làm những việc khó khăn và không đòi hỏi nhân viên phải thực hiện những nhiệm vụ mà chính họ không sẵn sàng làm.
4. Suy nghĩ tích cực nhưng vẫn thực tế
Đảm bảo sự cân bằng giữa suy nghĩ tích cực và tính thực tế cũng là một thách thức lớn với nhà lãnh đạo.
Lấy ví dụ, trên một con thuyền có 3 người: 1 người bi quan, 1 người lạc quan và 1 nhà lãnh đạo giỏi. Khi thuyền bất ngờ gặp gió lớn, người bi quan sẽ giơ tay lên than phiền, người lạc quan sẽ ngồi đó và nói rằng mọi thứ sẽ được cải thiện, còn nhà lãnh đạo giỏi sẽ nói “Chúng ta có thể làm được!” và tiến đến điều chỉnh cánh buồm để giữ cho thuyền luôn đi về phía trước.
5. Gương mẫu mà không giáo điều
Những nhà lãnh đạo xuất sắc truyền cảm hứng và khiến mọi người tin tưởng, ngưỡng mộ thông qua hành động chứ không phải lời nói.
Việc “lải nhải” suốt ngày với nhân viên về những điều mà bạn muốn họ tuân theo không bao giờ hiệu quả bằng việc bạn tự chứng minh cho họ thấy bằng những việc làm cụ thể.
6. Sẵn sàng làm “lá chắn” cho mọi người
Lãnh đạo giỏi sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho đội ngũ của mình và họ cũng luôn nhận được sự yểm trợ từ “hậu phương” là nhân viên. Họ không cố gắng đổ lỗi, cũng không cố che giấu thất bại và luôn hoan nghênh những thử thách, những quan điểm mới, thậm chí là những lời chỉ trích từ người khác. Bởi vì hơn ai hết, họ biết rằng tập thể không thể nào thành công khi làm việc trong một môi trường mà ai cũng sợ lên tiếng, không dám đưa ra quan điểm và ngại đặt câu hỏi.
Leave a Reply