Kỹ sư xây dựng đâu phải chỉ cần khối óc là đủ


Ngành xây dựng vừa tạo nên những cơ sở vật chất cụ thể, vừa phải tạo nên các công trình có giá trị kỹ thuật và văn hóa.

Là nghề được xã hội tôn kính, vẽ nên bộ mặt đô thị, gắn liền với sinh mạng con người, đòi hỏi sự am tường không chỉ ở các môn khoa học tự nhiên, tư duy logic, mà còn cả tâm hồn giàu đẹp và vốn văn hóa sâu rộng để kiến tạo những công trình có giá trị về nhiều mặt.

KỸ SƯ XÂY DỰNG – HỌ LÀ AI?

Đó là người có mặt sớm nhất ở một bãi đất trống bỏ hoang, rừng cây, sông suối, ao hồ, đầm lầy, đôi khi là những nghĩa trang trắng xóa. Dưới bàn tay tài hoa và khối óc tinh tế của họ, những công trình mới đẹp, tiện nghi, hiện đại, hoành tráng đã mọc lên.

Niềm hạnh phúc của một Kỹ sư Xây dựng là đây: là nỗi xúc động được nhìn thấy trọn vẹn hình hài “đứa con” mà mình đã đổ công tạo dựng, là niềm vui lây với những gia đình đang hớn hở dọn vào ngôi nhà mới, là hạnh phúc vô cùng khi rảo bước trên cây cầu nối liền hai nẻo bờ xa… Và cũng chính vào lúc đó, người Kỹ sư Xây dựng lại lặng lẽ dời gót đến những vùng đất mới để tiếp tục sứ mệnh mà họ đang gánh vác: dựng xây đất nước.

Theo TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên (SV) – ĐH Quốc gia TP.HCM, công việc của nghề xây dựng có thể chia thành ba nhóm: ngoài công trường, trong công xưởng và trong văn phòng.

Công việc ngoài công trường bao gồm các vị trí như kỹ sư thi công (hướng dẫn thực hiện các khâu đọc hiểu bản vẽ thiết kế, tính toán khối lượng phải làm, hướng dẫn công nhân thực hiện, lập bản vẽ hoàn công khi làm xong, công tác trắc đạc), kỹ sư giám sát thi công, chỉ huy trưởng công trường…

Công việc trong công xưởng có kỹ sư giám sát nội bộ, kỹ sư quản lý chất lượng, chuyên viên phát triển sản phẩm…

Công việc trong văn phòng thì đa dạng hơn, gồm chuyên viên thiết kế và quản lý kế hoạch, dự án, chất lượng ở các đơn vị thi công xây dựng; chuyên viên tư vấn xây dựng; chuyên viên trắc đạc, khảo sát địa chất, thẩm định chất lượng công trình; chuyên viên lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ đấu thầu; chuyên viên kiểm toán xây dựng… Các vị trí đang khát nhân lực hiện nay thuộc mảng công việc này, bao gồm: chuyên viên quản lý dự án, giám sát viên, dự toán viên.

NGHỀ ĐƯỢC TRỌNG VỌNG

Xây dựng là yếu tố căn bản phản ánh trình độ khoa học và kinh tế của một quốc gia. Một đất nước muốn phát triển thì không thể có cơ sở hạ tầng, công trình công cộng như đường sá, cầu cống, bến bãi, bệnh viện, trường học, siêu thị… trì trệ, lạc hậu.

Ai cũng cần có nhà để ở, có đường để đi, có trường để học, có bệnh viện để chăm sóc sức khỏe, có công trình vững chãi để làm việc, sinh hoạt, tránh khỏi hiểm nguy từ động đất, gió bão, lũ lụt, lở đất… Chính vì vậy, nghề Kỹ sư Xây dựng luôn được đề cao và tôn kính trong mọi thời đại.

Năm 2013 được xem là năm lên ngôi của ngành xây dựng tại Việt Nam. Theo thống kê của Báo Lao Động, nhóm ngành Kiến trúc – Xây dựng đứng thứ 10 trong top 12 khối ngành thu hút nhiều nhất những người lao động có tay nghề và trình độ kỹ thuật cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 8%/năm của Việt Nam (thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh ở khu vực châu Á) đã tác động tích cực đến thị trường lao động nhóm ngành này.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng vị trí top 10 trên thị trường lao động của nhóm ngành Kiến trúc – Xây dựng vẫn sẽ giữ nguyên thứ hạng đến hết năm 2014.

ĐÂU CHỈ CẦN KHỐI ÓC

Ngoài việc nắm vững kiến thức khoa học tự nhiên, nhất là toán học và vật lý cơ học, Kỹ sư Xây dựng còn phải hiểu biết lịch sử, địa lý; có vốn văn hóa sâu rộng, khả năng sáng tạo và tổ chức, kỹ năng giao tiếp; và đặc biệt là tình yêu dành cho đất nước, thiên nhiên và con người (với những công trình mang tính cộng đồng, văn hóa, tâm linh).

Ngành xây dựng vừa tạo nên những cơ sở vật chất cụ thể, vừa phải tạo nên các công trình có giá trị kỹ thuật và văn hóa. Nó đòi hỏi sự sáng tạo và kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật, công nghệ với văn hóa, nghệ thuật để tư duy vượt qua không gian giới hạn của tường gỗ và bê tông, thổi hồn vào các công trình cụ thể.

Mặt khác, xây dựng là ngành không chấp nhận có phế phẩm vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng nhiều người. Do vậy, một Kỹ sư Xây dựng giỏi trước hết phải là người có tinh thần trách nhiệm cao độ và đạo đức nghề nghiệp. Chỉ một phút giây lơ đễnh, thiếu thận trọng ở bất kỳ khâu nào trong quá trình xây dựng đều có thể tước đi sinh mạng của nhiều người khác.

Nhóm ngành này còn thích hợp với những người chấp nhận đi làm xa, thích nghi với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn tiện nghi; người có ý thức chống lãng phí cao; người có thói quen ngăn nắp, làm việc có phương pháp, có hệ thống, quy trình chặt chẽ.

Người có tính lãng mạn và sáng tạo thì nên làm tư vấn thiết kế; người ngăn nắp và chặt chẽ nên làm tư vấn đấu thầu; người có khát vọng làm giàu và quyết đoán nên làm nhà thầu. Dẫu ở bất cứ vị trí nào của nhóm ngành này thì cường độ công việc của một Kỹ sư Xây dựng chưa bao giờ là thấp, song bù lại, họ sẽ có được mức lương hấp dẫn và khoản hậu đãi tương xứng.


Ga tàu điện ở Stockholm, Thụy Điển với đường hầm Tunnelbana đẹp tựa nhà triển lãm nghệ thuật.
CHƯA BAO GIỜ NGỪNG “HOT”

Những năm gần đây, bất chấp nền kinh tế thế giới lâm vào cảnh lao đao và thị trường bất động sản trong nước đóng băng, Kỹ sư Xây dựng vẫn là nghề được xã hội ưu ái vì tác động tích cực của nó đối với nền kinh tế.

Với chuyên môn về xây dựng, bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp xây dựng, giao thông, thủy lợi, các viện nghiên cứu chuyên ngành, các ban quản lý dự án, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp v.v…

Tùy theo quy mô công ty, yêu cầu công việc, kinh nghiệm và năng lực làm việc của ứng viên, cũng như cung – cầu của ngành xây dựng trên thị trường lao động mà mức lương cho một Kỹ sư Xây dựng có tay nghề dao động từ 7-10 triệu đồng.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *